Trong hai thập kỷ vừa qua, quá trình cải cách nền kinh tế Việt Nam đã thu được nhiều thành tựu đáng kể, chất lượng cuộc sống người dân không ngừng được nâng cao. Năm 2007, Việt Nam cũng chính thức trở thành thành viên của tổ chức thương mại thế giới [1]. Sự phát triển của nền kinh tế cũng đòi hỏi những yêu cầu cao hơn đối với hệ thống giáo dục. Vai trò của các trường đại học như những động cơ cho sự tăng trưởng kinh tế càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Trong những năm gần đây, giáo dục đại học đã đạt được những tiến bộ đáng kể. Tuy nhiên, nhiều khảo sát và đánh giá chất lượng giáo dục đại học của Bộ GD&ĐT, của Quỹ giáo dục Việt Nam [2], Dự án giáo dục đại học Việt Nam – Hà Lan [3], Tập đoàn Intel [4] đã cho thấy sự thay đổi của giáo dục đại học chưa theo kịp nhu cầu của kinh tế xã hội. Do đó, thực trạng này đã thúc đẩy nhiều nỗ lực để tiếp tục nâng cao chất lượng hệ thống giáo dục đại học.
Ở quy mô quốc gia, Thủ tướng chính phủ đã ban hành nghị quyết số 14/2005/NQ-CP về việc cải cách một cách toàn diện giáo dục đại học Việt Nam giai đoạn 2006 – 2020 nhằm đẩy mạnh những nỗ lực cải cách hệ thống giáo dục đại học với mục tiêu chung là đến năm 2020, Việt Nam có một hệ thống giáo dục đại học tiên tiến, đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế. Mục tiêu này đòi hỏi phải thiết lập một mạng lưới các trường đại học tiên tiến, phát triển các chương trình đào tạo mới, xây dựng hệ thống kiểm định và đảm bảo chất lượng [5]. Theo những mục tiêu này, Bộ GD&ĐT đã đưa ra nhiều sáng kiến nhằm đáp ứng những đòi hỏi ngày càng cao đối với giáo dục. Có thể kể ra một số sáng kiến như: các chương trình đào tạo nguồn nhân lực, chẳng hạn chương trình đào tạo 20.000 tiến sĩ tại các trường đại học nước ngoài và đưa họ trở về nắm giữ những vị trí chủ chốt trong đội ngũ giảng viên hoặc quản lý [6]; chương trình tiên tiến: áp dụng chương trình giảng dạy của các đại học tiên tiến trên thế giới tại một số trường của Việt Nam và đến năm 2015 sẽ có khoảng 30 chương trình [7]; việc thành lập các trường đại học kiểu mẫu, chẳng hạn dự án trường đại học của Bộ GD&ĐT [8] nhằm xây dựng các đại học nghiên cứu đẳng cấp quốc tế và đào tạo sinh viên trong những ngành trọng điểm. Sự thay đổi quan trọng và gần đây nhất của Bộ GD&ĐT là yêu cầu các trường chuyển đổi sang hệ thống tín chỉ, xây dựng và công bố rộng rãi chuẩn đầu ra của các ngành đào tạo. Những động thái này đóng vai trò như chất xúc tác đẩy mạnh quá trình chuyển đổi. Tuy nhiên, các trường đại học vẫn phải đối mặt với những thách thức như: 1) xây dựng chương trình đào tạo theo hệ thống tín chỉ giúp sinh viên đạt được các kiến thức, kỹ năng và thái độ cần thiết; 2) xây dựng phương pháp giảng dạy và học tập hiệu quả giúp sinh viên nắm vững các kiến thức và kỹ năng; 3) xây dựng môi trường học tập cho phép sinh viên có các trải nghiệm thực tế; 4) xây dựng các phương pháp đánh giá nhằm thu được các thông tin phản hồi cần thiết để xác định chất lượng và cải tiến quá trình học tập. Những vấn đề này đòi hỏi một giải pháp mang tính hệ thống từ việc nâng cao chất lượng dạy và học, cải tiến chương trình đào tạo và các môn học, xây dựng các phương pháp đánh giá năng lực của sinh viên, nâng cao hiệu quả của cơ sở đào tạo. Giải pháp hiệu quả hiện nay là phát triển một phương pháp luận hay một mô hình để giải quyết một cách có hệ thống các vấn đề này, đồng thời thúc đẩy những nỗ lực cải tiến giáo dục đại học.
Là một trong những hệ thống đại học lớn của Việt Nam, Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh (ĐHQG-HCM) đã đưa ra một giải pháp dựa trên việc tiếp nhận Đề xướng CDIO [9] để xây dựng mô hình phát triển chương trình đào tạo. Để có thể triển khai giải pháp này, ĐHQG-HCM đã tận dụng những điểm mạnh sau: 1) sự cộng tác của các khoa trong ĐHQG-HCM để đẩy mạnh những nỗ lực cải cách, giảm chi phí cho quá trình chuyển đổi chương trình đào tạo và tăng khả năng thành công. Lợi thế này các đơn vị riêng lẻ không có được; 2) sử dụng phương pháp tiếp cận toàn diện, có hệ thống của CDIO để cải tiến chương trình đào tạo.
Lợi thế thứ nhất, ĐHQG-HCM là một trung tâm đào tạo và nghiên cứu hàng đầu của Việt Nam với quy mô hơn 50.000 sinh viên và là một hệ thống gồm 6 trường đại học thành viên, một khoa trực thuộc, một viện nghiên cứu, trường phổ thông năng khiếu và nhiều trung tâm dịch vụ khác. Do đó, ĐHQG-HCM có thể phát huy sức mạnh hệ thống bằng sự cộng tác giữa các đơn vị thành viên để cùng cải tiến chương trình đào tạo.
Lợi thế thứ hai là Đề xướng CDIO, một phương pháp luận mới cho các ngành kỹ thuật, đã được áp dụng để xây dựng chương trình đào tạo cho hơn 50 trường đại học trên thế giới. Đề xướng này đặt chương trình giáo dục trong bối cảnh của Hình thành ý tưởng (Conceive) – Thiết kế (Design) – Triển khai (Implement) – Vận hành (Operate) các sản phẩm và hệ thống thực. Điểm then chốt của CDIO là Đề cương CDIO, một tuyên bố về mục tiêu của chương trình đào tạo, và bộ 12 Tiêu chuẩn CDIO, được thiết kế để giúp đạt các mục tiêu đó. Các tiêu chuẩn này bao gồm triết lý của chương trình, phát triển chương trình đào tạo, không gian làm việc và các trải nghiệm thực tế, phương pháp dạy và học, nâng cao năng lực giảng viên, đánh giá và kiểm định. Đề cương CDIO giúp trả lời câu hỏi “sinh viên khi tốt nghiệp cần đạt được các kỹ năng, kiến thức và thái độ gì?”. Còn các Tiêu chuẩn CDIO giúp trả lời câu hỏi “chúng ta có thể làm thế nào tốt hơn để đảm bảo sinh viên đạt được các kỹ năng, kiến thức và thái độ ấy?”. Như vậy, một cách tổng quát, Đề cương CDIO giúp giải đáp câu hỏi “làm gì” và “làm như thế nào” và các trường ĐH Việt Nam có thể áp dụng cho phù hợp với nhu cầu và điều kiện của mình.
Trên cơ sở áp dụng các nguyên lý CDIO và phát huy sức mạnh hệ thống chúng tôi đã xây dựng một mô hình cải tiến chương trình đào tạo, xây dựng một Đề án triển khai thí điểm CDIO tại một số khoa của các trường ĐH thành viên và từng bước mở rộng áp dụng cho các khoa khác cũng như các cơ sở đào tạo khác trong cả nước. Trong quá trình triển khai chúng tôi cũng liên tục đánh giá hiệu quả và hoàn thiện mô hình này. Trong báo cáo này chúng tôi giới thiệu về mô hình triển khai CDIO tại ĐHQG-HCM và những bước đi ban đầu triển khai mô hình này.
TRIỂN KHAI THÍ ĐIỂM MÔ HÌNH CDIO TẠI ĐHQG - TPHCM