Quá trình chuyển từ một cậu sinh viên trở thành Phó Tổng Giám đốc tại Tập đoàn Hoa Sen của anh diễn ra như thế nào?
Khi học ở giảng đường đại học, anh gặp các khó khăn như cảm giác bỡ ngỡ khi xa nhà, làm quen với môi trường sống và học tập mới. Ngành của anh cũng mới nên không có nhiều anh chị cựu sinh viên các khóa trước chia sẻ thông tin. Theo anh, có hai yếu tố quan trọng đã góp phần vào sự thành công của anh đó chính là:
- Chọn đúng môi trường làm việc: Một công ty có văn hóa tốt sẽ tạo điều kiện cho người trẻ phát triển, đó chính là yếu tố then chốt. Hoa Sen Group đã mang đến cho anh có cơ hội thể hiện bản thân và nhận được sự hỗ trợ nhiệt tình từ các đồng nghiệp.
- Có một người sếp tốt: Người sếp không chỉ là người hướng dẫn công việc mà còn là người định hướng sự nghiệp. Sự chỉ bảo tận tình của sếp đã giúp anh định hình rõ ràng con đường phát triển của mình.
Kinh nghiệm thực tập đầu tiên của anh có ảnh hưởng như thế nào đến sự lựa chọn ngành nghề và công ty hiện tại?
Hồi năm tư đại học, anh có tham gia một cuộc thi "Tìm kiếm CEO tương lai" do trường Đại học Kinh tế TP.HCM (UEH) tổ chức, tập đoàn Hoa Sen là nhà tài trợ của cuộc thi đó và chủ tịch tập đoàn Hoa Sen – Lê Phước Vũ là ban giám khảo của cuộc thi, anh đạt được giải nhất cuộc thi. Tập đoàn Hoa Sen đã tạo điều kiện cho anh có cơ hội thực tập tại công ty.
Gia nhập công ty
Anh đã làm thế nào để thích nghi với môi trường làm việc chuyên nghiệp sau khi ra trường?
Về câu chuyện môi trường văn hóa làm việc, Hoa Sen là một môi trường trung thực, cộng đồng và phát triển. Mọi người trong công ty thân thiện, tính cộng đồng cao, hỗ trợ nhân sự mới và hướng dẫn đào tạo nhân sự rất tốt. Bất cứ công việc gì, bản thân nên làm việc một cách nghiêm túc, hiệu quả, không ngại khó khăn, thử thách thì những đồng nghiệp và quản lý sẽ nhìn nhận thành quả và tạo cơ hội cho mình cơ hội phát triển. Qua quá trình va chạm với nhiều công việc khác nhau, thử sức ở nhiều vị trí khác nhau, anh tích lũy nhiều kinh nghiệm và học thêm nhiều điều mới, giúp mình tự tin hơn.
Theo anh, các bạn sinh viên nên trang bị những kỹ năng nào để thành công?
Xu hướng hiện nay, doanh nghiệp chú trọng các bạn sinh viên tốt nghiệp trang bị hai yếu tố đó chính là ngoại ngữ tốt và công nghệ tốt. Hai yếu tố này là một lợi thế dễ dàng ứng tuyển vào các vị trí tuyển dụng của doanh nghiệp và các bạn có cơ hội thể hiện năng lực bản thân mình tốt hơn. Các công ty làm việc có liên quan đến nước ngoài thì khả năng tiếng anh tốt là lợi thế của mình. Tiếp theo là công nghệ, hiện nay xu hướng sử dụng công nghệ rất nhiều, đặc biệt là AI, nếu bạn có khả năng thích nghi tốt thì bạn sẽ thích nghi tốt công việc theo các xu hướng mới.
Ngoài ra, anh cũng chú ý các bạn các kỹ năng mềm khác là: Khả năng trình bày, thuyết trình và giao tiếp rất quan trọng. Ví dụ, các bạn làm tốt, hiệu quả công việc nhưng kết quả thì cần phải báo cáo với cấp trên. Nếu các bạn trang bị những kỹ năng này thì các bạn có lợi thế rất lớn, trình bày được, diễn giải được thì cấp trên của mình họ hiểu được suy nghĩ của bạn, đánh giá và sự ghi nhận của cấp trên sẽ cao hơn. Nhiều bạn làm tốt nhưng không thể hiện được ý tưởng của mình để người khác hiểu hoặc không có khả năng trình bày trước đám đông, trình bày trước sếp của mình thì đó là điều bất lợi. Các bạn không có khả năng trình bày, không báo cáo, không thể hiện được quan điểm, ý tưởng của mình thì rất khó để mình được đề cử. Các bạn hãy nhớ làm được thì phải nói được, chỉ cần nói đúng, chính xác những gì mình đã làm chứ không phải nói quá những gì không có.
Thăng tiến và trở thành lãnh đạo
Yếu tố nào để anh trở thành một lãnh đạo giỏi và hiệu quả trong một tập đoàn lớn?
Theo anh, có rất nhiều yếu tố quyết định để trở thành một lãnh đạo giỏi và cần có sự dung hòa nhiều yếu tố vì mỗi người đều có thế mạnh riêng. Đạt đến vị trí lãnh đạo, thì chính bản thân mình cần dung hòa nhiều yếu tố khác nhau. Để trở thành một lãnh đạo hiệu quả trong tập đoàn lớn, cần hội tụ 3 yếu tố chính: sự tin tưởng từ cấp trên, uy tín với đồng nghiệp và sự đồng thuận của nhân viên. Bên cạnh đó, khả năng thích nghi, giải quyết vấn đề và tinh thần cầu tiến cũng đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng sự nghiệp.
Ví dụ, trong một công ty, để được sếp cân nhắc bạn lên một vị trí cao hơn, bản thân bạn phải:
- Thứ nhất là bản thân tạo dựng được niềm tin ở lãnh đạo của bạn. Lãnh đạo tin tưởng bạn thông qua quá trình làm việc, năng lực, đạo đức và thái độ của bạn, từ đó mới cân nhắc bạn lên vị trí lãnh đạo.
- Thứ hai là phải nhận sự uy tín với đồng nghiệp, ngang cấp vị trí của bạn. Sự uy tín của bạn thể hiện qua cách xử lý công việc, ứng xử, phối hợp công việc với các đơn vị, phòng ban khác.
- Thứ ba là tạo được sự đồng thuận của nhân viên cấp dưới. Nếu không có được sự đồng thuận của nhân viên cấp dưới thì bản thân bạn không thể hiện được bạn là người có năng lực, là một lãnh đạo công tâm, không nhận được sự ủng hộ từ nhân viên cấp dưới và người quản lý lãnh đạo không cân nhắc đề cử bạn được.
Ngoài ra, anh nghĩ để thành công ở vị trí lãnh đạo, bản thân phải không ngừng phát triển bản thân. Sự tin tưởng, uy tín và khả năng truyền cảm hứng là những yếu tố giúp bản thân anh tạo dựng được vị thế như hôm nay. Quan trọng hơn, anh luôn sẵn sàng đối mặt với thử thách mới để không ngừng hoàn thiện mình.
Ví dụ, nếu bản thân bạn làm ở mảng công việc hiện tại và đã có kinh nghiệm làm việc trong 3 - 4 năm ở mảng này, đã quen với các nhiệm vụ, và chỉ cần dùng 50%/100% công lực cho công việc. Khi sếp điều động bạn qua mảng mới, bản thân bạn có dám chấp nhận thay đổi hay không. Nếu qua mảng mới phải nỗ lực nhiều hơn, làm việc chăm chỉ hơn, học hỏi nhiều hơn và tìm hiểu nhiều hơn, tăng lên 120% - 130% công lực, bạn sẵn sàng chấp nhận thử thách, bạn sẽ đưa bản thân mình vượt ra giới hạn an toàn và bạn sẽ lên một tầm cao mới.
Lời khuyên dành cho sinh viên
Anh muốn tặng các bạn câu nào anh cảm thấy tâm đắc nhất?
"Cơ hội đến với mọi người là như nhau nhưng quan trọng là bạn có sự nỗ lực và chuẩn bị hay không". Yếu tố may mắn vẫn có nhưng nó không phải là yếu tố quyết định. Yếu tố quyết định sự thành công đó chính là sự nỗ lực, phấn đấu và cố gắng của bản thân mỗi ngày. Khi bản thân mình đã chuẩn bị sẵn rồi, đã nỗ lực sẵn rồi, bạn sẽ là người người nắm bắt cơ hội đó chứ không phải là ai khác.
Bây giờ, các bạn có rất nhiều sự thuận lợi, như nắm bắt thông tin rất tốt do có công nghệ. Nếu các bạn để mình trong thế bị động, sẽ không có nhiều sự lựa chọn, mình chọn đại một việc để làm, thực tế không giống những gì mình kỳ vọng thì dễ sinh ra tâm lý chán nản, muốn thay đổi và chuyển sang một hướng đi khác. Nếu các bạn không xác định mục tiêu thì sẽ không xác định được một công ty nào là đúng để theo đuổi hết.
Anh muốn gửi gắm các bạn lời khuyên: Trong giai đoạn, các bạn còn là sinh viên, thì các bạn nên chủ động trong việc xác định bản thân mình sẽ làm lĩnh vực gì, làm công việc gì. Các bạn chủ động tìm thông tin trên mạng hoặc buổi giao lưu của các doanh nghiệp, tìm hiểu thông tin các doanh nghiệp đầu ngành trong lĩnh vực mà bạn xác định. Các bạn tìm hiểu về văn hóa doanh nghiệp, định hướng phát triển của doanh nghiệp, xu hướng phát triển của ngành bạn quan tâm trong tương lai. Các bạn chủ động tìm hiểu xem doanh nghiệp đó đòi hỏi những kỹ năng gì để bạn vào làm được và hãy chuẩn bị từ lúc khi bạn còn là sinh viên. Đến lúc chuẩn bị tốt nghiệp, các bạn ứng tuyển, sẽ nắm chắc cơ hội trúng tuyển cao.
Cám ơn chia sẻ của anh Thành Nam!
Thực hiện: Quỳnh Anh