Anh Trần Bá Thìn sinh năm 1988, là cựu sinh viên lớp K06407A, khóa 6 - khóa đầu tiên của khoa Quản trị kinh doanh. Các bạn hãy cùng khám phá câu chuyện khởi nghiệp đầy nghị lực của anh Trần Bá Thìn, đồng sáng lập PiHome, là hệ sinh thái công nghệ thông minh, toàn diện cho các chung cư, tòa nhà tại Việt Nam. Qua cuộc phỏng vấn này, các bạn sẽ được lắng nghe những chia sẻ chân thật về những khó khăn, thành công và bài học kinh nghiệm quý báu mà anh đã rút ra.
Về hành trình khởi nghiệp:
Động lực nào đã thôi thúc anh bắt đầu khởi nghiệp?
Động lực đầu tiên đó là khát vọng vươn lên:Từ khi còn là một đứa trẻ, chứng kiến gia đình khó khăn bủa vây, anh muốn làm gì đó để thay đổi “giai cấp” của gia đình mình. Và khởi nghiệp là con đường anh chọn, cũng dẫn tới những quyết định sau này như chọn học ngành QTKD và tham gia khởi nghiệp từ khi còn là sinh viên năm 2. Ngay khi vừa tốt nghiệp đại học, đi làm thử 1 – 2 tháng, anh đã quyết định thành lập doanh nghiệp CNTT làm outsourcing website và phần mềm cho doanh nghiệp. Kể từ đó bắt đầu những ngày tháng gian truân của đời khởi nghiệp. Công ty anh thành lập từ ngày đó, cho đến nay đã hoạt động gần 14 năm.
Động lực thứ hai đó là để lại di sản: Anh muốn cuộc đời mình có được thành tựu, di sản có ý nghĩa lâu dài, định nghĩa được cuộc đời mình và giúp cho cuộc sống của những người xung quanh mình tốt hơn. Chính vì vậy, 05 năm trước, anh và vợ anh đã quyết định thành lập một startup mới - PiHome, tập trung vào phát triển một nền tảng công nghệ hàng đầu cho ngành quản lý bất động sản.
Anh đã gặp phải những khó khăn gì trong quá trình xây dựng startup và cách anh vượt qua?
Rất nhiều, không kể hết. Ngoài những khó khăn phổ biến, còn có những khó khăn do việc anh mở doanh nghiệp công nghệ rất sớm, thiếu kinh nghiệm và vốn liếng phù hợp. Cách vượt qua thì chỉ là kiên trì thôi, làm mãi thử nhiều cách.
Ý tưởng cho startup của anh đến từ đâu?
Nó đến từ một dự án nhỏ làm cho khách hàng.
Sản phẩm/dịch vụ đầu tiên của startup anh là gì và vì sao anh chọn nó?
Khi lựa chọn một sản phẩm để khởi nghiệp, founder cần xây dựng tầm nhìn cho ý tưởng đó, nhìn thị trường và nhu cầu với đôi mắt của tương lai ít nhất 5-10 năm. Startup phải gắn liền với một sứ mệnh nào đó, thay đổi một điều gì đó trong hiện tại và thay thế bằng điều mình làm.
Anh đã học được những bài học gì giá trị nhất từ những thất bại trong quá trình khởi nghiệp?
Vẫn chưa gọi là thất bại, anh thành lập 2 doanh nghiệp và đến giờ vẫn đang phát triển. Tuy nhiên, hành trình khởi nghiệp là hành trình dám làm, làm sai và sửa sai cho đến khi tìm được cách làm tối ưu. Không có gì là thất bại, tất cả chỉ là thử thách thôi, như câu nói của vị chủ tịch Huyndai trong cuốn sách mà anh rất thích.
Về kinh nghiệm và kỹ năng
Theo anh, những kỹ năng nào là quan trọng nhất đối với một người muốn khởi nghiệp?
Cũng còn tùy là bạn khởi nghiệp ngành nào, vai trò của bạn là gì, nguồn lực của bạn ra sao nữa. Tuy nhiên vài điểm chung anh đánh giá là quan trọng đối với một khởi nghiệp gia là:
Khát vọng: Giấc mơ và khát vọng của bạn là thứ sẽ giữ bạn trên đường đua khởi nghiệp khi gặp khó khăn.
Sự tập trung: Thật khó để khởi nghiệp thành công được nếu bạn cứ thay đổi ý tưởng khởi nghiệp liên tục, sự nửa vời khó tạo ra được chiều sâu doanh nghiệp, để trở nên xuất sắc doanh nghiệp cần hoạt động đủ lâu và đủ sâu trong một ngành.
Quyết liệt: Quyết tâm cao độ và hướng đến những tiêu chuẩn cao nhất trong kinh doanh sẽ giúp doanh nghiệp của bạn xây dựng lợi thế cạnh tranh trong thị trường.
Xây dựng và tổ chức nguồn lực: Xây dựng đội ngũ, huy động vốn, các bạn phải am hiểu cách xây dựng và tổ chức được đội ngũ của mình, huy động được các nguồn lực cần thiết và quản trị nó một cách hiệu quả. Người sáng lập phải am hiểu được mô hình kinh doanh của mình trong góc nhìn toàn cầu và thiết kế được mô hình quản trị doanh nghiệp phù hợp.
Anh đã xây dựng đội ngũ như thế nào và điều gì quan trọng nhất khi làm việc với một đội ngũ khởi nghiệp?
Có 05 yếu tố tác động đến sự thành công của doanh nghiệp startup, theo nghiên cứu với mức độ quan trọng theo thứ tự là: Timing (thời điểm), Team (đội ngũ), Product (sản phẩm), Business model (mô hình kinh doanh), Funding (vốn). Team là yếu tố hàng đầu, các quỹ đầu tư cũng thường quan tâm nhất yếu tố này. Và các bạn cần có một "Team founder market fit" để có thể giải quyết được vấn đề nào đó trong thị trường thông qua startup của bạn.
Anh đã tiếp cận và thuyết phục nhà đầu tư như thế nào?
Anh tìm hiểu mạng lưới nhà đầu tư, tìm những nhà đầu tư chuyên nghiệp và có khẩu vị đầu tư cho nhóm ngành của mình. Khi đã hiểu họ thì tiếp cận không khó. Tuy nhiên để thuyết phục được nhà đầu tư thì cần rất nhiều yếu tố, và không phải lúc nào việc huy động vốn cũng là tốt cho doanh nghiệp của mình, PiHome đến nay vẫn chưa huy động vốn chính thức.
Về tầm nhìn của doanh nghiệp trong tương lai
Tầm nhìn của anh cho startup trong 5 năm tới là gì?
PiHome đã đi được 05 năm và đạt được những cột mốc anh mong đợi dù chưa thực sự tốt do thị trường bất động sản chững lại sau dịch. 05 năm tới dĩ nhiên anh vẫn tập trung mọi nguồn lực để có thể tập trung thị trường ở Việt Nam và tiến ra các nước lân cận.
Anh nghĩ gì về tương lai của thị trường startup tại Việt Nam?
Việt Nam có lợi thế quy mô thị trường 100 triệu dân, nhân lực công nghệ lớn (gấp 10 lần Thái Lan), chính phủ ưu tiên phát triển ngành công nghệ và nhiều lợi thế khác. Hệ sinh thái khởi nghiệp ở Việt Nam đang phát triển nhanh và anh đoán trong vòng 5 năm tới Việt Nam sẽ là thị trường khởi nghiệp sôi động và có quy mô bậc nhất ở Đông Nam Á.
Nếu có thể quay trở lại thời điểm bắt đầu, anh sẽ làm gì khác?
Đây là câu hỏi anh đã tự hỏi nhiều lần, nhưng anh vẫn không biết được mình phải làm gì khác, có lẽ vẫn vậy nhưng quyết liệt hơn và say “no” nhiều hơn với những việc không mang lại giá trị lâu dài cho tầm nhìn của mình. Việc này hơi lý tưởng chút vì khi mình làm việc gì đôi khi phải vài năm sau mới có thể biết được là nó đúng hay sai.
Về trợ thủ đắc lực trong hành trình khởi nghiệp
Ai là người đã ảnh hưởng đến anh nhiều nhất trong quá trình khởi nghiệp?
Vợ và cũng là đồng sáng lập của anh. Vợ chồng anh học hỏi lẫn nhau và lắng nghe để thay đổi rất nhiều kể cả trong điều hành doanh nghiệp và cuộc sống.
Sách/tài liệu nào đã giúp anh rất nhiều trong quá trình khởi nghiệp?
Sách là một phần của khởi nghiệp, khi anh bế tắc thì anh thường tìm đến sách, đọc những cuốn sách với chủ đề anh đang bí sẽ thúc đẩy tư duy mới, anh đã giải quyết được nhiều vấn đề hóc búa nhờ cách này. Khi có vấn đề thực tiễn, bạn đọc sách sẽ hiệu quả hơn, đào sâu hơn.
Mạng lưới mối quan hệ có vai trò quan trọng như thế nào trong sự thành công của startup?
Rất quan trọng nhưng cũng cần có chiến lược, không phải cứ nhiều là tốt mà quan trọng là chất lượng của mối quan hệ. kể từ khi khởi nghiệp, anh đã tự xây dựng cho mình mạng lưới các mối quan hệ liên minh, các mối quan hệ để learning và các mối quan hệ để phát triển doanh nghiệp theo mục tiêu của mình.
Cám ơn chia sẻ của anh Thìn!
Thực hiện: Quỳnh Anh